TheĐạihọcchibộntiềnhoahồngđểlôikéoduhọxsmtro thống kê của tạp chí Big Issue, mỗi năm các đại học Anh chi 500 triệu bảng (hơn 620 triệu USD) cho các công ty tư vấn du học. Trung bình, 50% du học sinh nộp hồ sơ qua công ty tư vấn. Với người Trung Quốc, tỷ lệ là 70%.
Chẳng hạn, năm học 2022-23, Đại học Greenwich trả 28,7 triệu bảng cho 230 công ty tư vấn để chiêu mộ gần 3.000 học viên thạc sĩ và 500 sinh viên đại học. Con số này tăng so với mức 18,3 triệu bảng của năm học trước. Còn nếu so với cách đây 5 năm, mức chi đã tăng gấp gần 8,7 lần. Tính bình quân, hoa hồng các công ty tư vấn du học nhận được là hơn 8.200 bảng/sinh viên (10.000 USD). Một ví dụ khác là Đại học De Montfort chi 17,1 triệu bảng và tuyển sinh được hơn 4.400 sinh viên quốc tế, phí hoa hồng trung bình khoảng 3.800 bảng/sinh viên.
Khảo sát 20 đại học tại Anh của The Observer, tờ báo thuộc Guardian Media Group, cho thấy mức hoa hồng trung bình các công ty tư vấn nhận được dao động 2.000-8.000 bảng/du học sinh. Con số này cao hơn nhiều so với mức 1.000 bảng của 10 năm trước.
Sự lệ thuộc vào công ty tư vấn cho thấy tầm quan trọng của du học sinh với túi tiền của các đại học Anh. Lý do là sinh viên quốc tế phải đóng học phí cao gấp nhiều lần sinh viên trong nước. Hội đồng Anh ước tính du học sinh bậc cử nhân phải trả học phí cả năm trung bình 22.000 bảng (gần 27.500 USD), cao gấp đôi so với 9.250 bảng của sinh viên trong nước. Với ngành Y, con số lên tới gần 68.000 bảng.
Nathan Brennan, cán bộ tuyển sinh quốc tế tại trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, một trong 22 đại học không hợp tác với công ty tư vấn, cho biết do lạm phát, học phí của sinh viên nội địa đã mất một phần ba giá trị kể từ năm 2012. Các trường phải tìm cách đa dạng nguồn tuyển sinh quốc tế. Sự phụ thuộc vào học phí của sinh viên quốc tế cũng lớn dần theo từng năm.
Brennan nhận định nhu cầu về dịch vụ tư vấn du học chắc chắn sẽ còn tăng bởi số hồ sơ ứng tuyển của sinh viên quốc tế chưa có dấu hiệu chậm lại.
Các công ty tư vấn du học bị cáo buộc lôi kéo sinh viên theo các chương trình học đã được thỏa thuận với các trường.
Theo báo cáo của Hiệp hội liên lạc quốc tế các đại học Anh (BUILA), 24% sinh viên quốc tế sử dụng dịch vụ tư vấn du học nói công ty họ chọn thiên vị một số đại học nhất định. Hơn 30% nhân viên được khảo sát đồng ý rằng công ty tư vấn sẽ hướng khách hàng tới các trường họ nhận được hoa hồng cao nhất. Tuy vậy, ở Anh, việc công khai danh sách công ty tư vấn không bắt buộc nên ứng viên không thể xác minh được mối liên hệ của công ty với trường trước khi dùng dịch vụ.
Các trường được Observer khảo sát đều nhìn nhận việc công ty tư vấn hỗ trợ ứng viên hoàn thiện hồ sơ, xin thị thực và chỗ ở là cần thiết để tạo mối quan hệ tích cực giữa sinh viên và nhà trường.
Lý giải về khoản chi cho các công ty tư vấn du học, Đại học Greenwich cho biết tỷ lệ hoa hồng của trường giữ nguyên nhưng số sinh viên tăng mạnh đã đẩy chi phí lên cao. Đại học De Montfort cũng tương tự, nói mức hoa hồng tương ứng với học phí của sinh viên, học phí với sinh viên trong khối EU tăng nên mức hoa hồng cao hơn.
Có khoảng 680.000 sinh viên quốc tế đang theo học tại Anh trong năm học 2021-2022, theo Cơ quan Thống kê giáo dục đại học Anh (HESA). Con số này tăng 12,3% so với năm trước. Du học sinh cũng đóng góp 42 tỷ bảng cho nền kinh tế Anh trong năm học này, tăng từ 31,3 tỷ bảng cách đây bốn năm.
Huy Quân(Theo The Guardian, Big Issue)